Khi tháng 3 đến gõ cửa, thì tại Nhật sẽ có một lễ hội được diễn ra vào ngày 3 tháng 3 – đó là 「ひな祭り (ひなまつり)」- Ngày dành cho bé gái cũng là sự kiện trưng bày búp bê. Vậy tại sao lại trưng bày búp bê vào ngày này mà không phải là món nào khác.
Nó có nguồn gốc từ đâu? Khi nào? Và ý nghĩa của lễ hội này là gì? Hãy cùng SHIN khám phá nhé!
NGUỒN GỐC
Lễ hội Hina (ひな祭り) bắt nguồn từ「上巳の節句(じょうしのせっく)」, một nghi lễ xua đuổi tà ma có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày nay, khi nhắc đến ひな祭り, người ta thường nghĩ ngay đến những búp bê Hina trang trí cầu kỳ. Tuy nhiên, ban đầu 上巳の節句, không hề có búp bê Hina. Thay vào đó, người ta tin rằng có thể rửa sạch vận xui bằng cách tẩy uế cơ thể bên sông.
Khi 上巳の節句 du nhập vào Nhật Bản vào thời Heian, đất nước này vốn đã có phong tục 「流しびな( ながしびな)」, đây là nghi thức trong đó người ta nặn hình nhân bằng giấy hoặc đất sét, rồi truyền vận xui sang đó và thả trôi theo dòng nước để xua đuổi tai ương. Theo thời gian, 流しびな kết hợp với 上巳の節句, tạo nên một nghi thức mới.
Cùng thời điểm đó, trong giới quý tộc, trẻ em thường chơi trò 「ひいな遊び (ひいなあそび)」, một dạng trò chơi đồ hàng với búp bê giấy. Khi ひいな遊び kết hợp với 流しびな, dần dần hình thành nên phong tục trưng bày búp bê Hina. Đến thời Edo, việc trang trí búp bê trong dịp này dần trở nên phổ biến và được gọi một cách đơn giản là ひな祭り. Từ đó, truyền thống này tiếp tục được duy trì và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.
CÁC LOẠI BÚP BÊ
Búp bê Hina có hai loại chính: 京雛 (きょうびな) có nguồn gốc từ Kyoto và 関東雛 (かんとうびな) có nguồn gốc từ vùng Kanto.
Ở vùng 京雛 (きょうびな)
– Hoàng Đế ngồi bên trái (phía bên phải khi nhìn vào), Hoàng Hậu ngồi bên phải.
– Khuôn mặt thanh tú, dịu dàng, với đôi mắt nhỏ hiền hòa.
Ở vùng 関東雛 (かんとうびな)
– Hoàng Đế ngồi bên phải (phía bên trái khi nhìn vào), Hoàng Hậu ngồi bên trái.
– Đường nét khuôn mặt sắc sảo, đôi mắt và các đường nét rõ ràng hơn.
Lý do cho sự khác biệt này bắt nguồn từ quan niệm về địa vị trong cung đình Nhật Bản thời xưa. Theo truyền thống, vị trí bên trái được coi là cao hơn (ví dụ, Tả Đại Thần có địa vị cao hơn Hữu Đại Thần), vì vậy ở 京雛 Hoàng Đế ngồi bên trái để thể hiện quyền uy.
Ngược lại, 関東雛 tuân theo tiêu chuẩn hiện đại, trong đó “bên phải được xem là vị trí cao hơn” (右上位). Quan niệm này bắt đầu phổ biến từ thời Đại Chính (1912–1926).
Ngày nay, cả hai phong cách đều được yêu thích và bày bán rộng rãi, vì vậy người dân Nhật Bản có thể lựa chọn theo sở thích.
CÁCH TRANG TRÍ
Việc trưng bày búp bê có thể là 3, 5 hoặc 7 tầng. Nhưng trưng bày 7 tầng (七段飾り) là cách trưng bày sang trọng nhất và được người dân Nhật Bản ưa chuộng. Và dưới đây là cách trưng bày búp bê 7 tầng, thứ tự búp bê ở từng tầng như sau:
Tầng 1: Hoàng Đế và Hoàng Hậu
Trên bậc cao nhất của bộ bảy tầng là hai búp bê hoàng gia, gọi là 「内裏びな」(だいりびな). Theo cách gọi chính thức, chúng lần lượt được gọi là 「男雛」(おびなー Hoàng Đế) và 「女雛」(めびなー Hoàng Hậu).
Hoàng Hậu mặc hakama (quần truyền thống của Nhật Bản), khoác nhiều lớp kimono chồng lên nhau, bên ngoài là một chiếc áo khoác gọi là 「唐衣」(からおり) và mặc thêm 「裳」(も) một loại váy dài. Bộ trang phục này thường được gọi là 「十二単」(じゅうにひとえ), một bộ trang phục cung đình truyền thống dành cho phụ nữ quý tộc Nhật Bản.
Tầng 2: Ba nữ quan
Ba nữ quan hầu cận 「三人官女」(さんにんかんじょ), những người phục vụ và chăm sóc cho hoàng gia. Họ không chỉ thành thạo các phép tắc cung đình mà còn am hiểu thơ waka và văn học cổ điển Trung Quốc.
Hai nữ quan đứng hai bên tay cầm 「銚子」(ちょうし – bình rượu), loại bình này vẫn được sử dụng trong nghi thức cưới hỏi truyền thống của Nhật Bản, đặc biệt là nghi thức 「三三九度」(さんさんくど), nơi cô dâu và chú rể cùng uống rượu kết duyên trăm năm.
Tầng 3: Năm nhạc công
「五人囃子」(ごにんばやし) – năm nhạc công trẻ tuổi tái hiện hình ảnh các nghệ sĩ trong kịch Noh. Họ là những thiếu niên tài năng và xuất chúng, biểu diễn ca hát và nhạc cụ với kỹ năng điêu luyện.
Dàn nhạc này không chỉ mang đến âm hưởng trang trọng cho lễ hội mà còn tượng trưng cho lời chúc phúc, mong trẻ em lớn lên khỏe mạnh, thông minh và tràn đầy sức sống.
Tầng 4: Hai cận thần
随臣 (ずいじん), hai cận thần bảo vệ hoàng gia, gồm 右大臣 (Hữu Đại Thần) và 左大臣 (Tả Đại Thần).
Họ được ví như những vị hộ vệ trung thành, luôn túc trực để bảo vệ hoàng cung, ngăn chặn kẻ xấu tiếp cận. Sự hiện diện của họ tượng trưng cho sự che chở, bình an và vững bền.
Tầng 5: Người hầu
仕丁 (じちょう), những người hầu cận trong cung, chuyên phụ giúp hoàng gia, từ hộ tống hoàng đế và hoàng hậu đến quét dọn vườn tược và đảm nhận các công việc lặt vặt trong hoàng cung.
Ba người hầu này được gọi là 「三人上戸」(さんにんじょうご), mỗi người mang một biểu cảm khác nhau: một người khóc (泣き上戸), một người cười (笑い上戸), và một người tức giận (怒り上戸 ). Những biểu cảm phong phú này tượng trưng cho mong ước trẻ em lớn lên với tâm hồn rộng mở, biết bày tỏ cảm xúc một cách chân thật và tự nhiên.
Tấm vải đỏ trải bên dưới được gọi là 緋毛氈 (ひもうせん). Màu đỏ không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma mà còn thể hiện lời chúc phúc, mong trẻ em được trưởng thành trong bình an, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
Tầng 6 và tầng 7: Trưng bày các vật dụng trong đám cưới như là xe ngựa hoàng gia, kiệu,…
Vì có tổng cộng 15 nhân vật, nên cách bài trí này còn được gọi là 「十五人飾り」 (じゅうごにんかざり) – nghĩa là “Bày trí 15 người”.
Qua những thông tin trên, SHIN mong đã mang đến cho bạn biết thêm một ngày lễ hội thú vị ở Nhật Bản. Và có thêm hứng thú trong việc tìm hiểu về văn hoá và con người nơi đây và đặc biệt là trong việc chinh phục tiếng Nhật.
Đừng quên theo dõi Nhật ngữ SHIN để biết thêm thật nhiều thông tin về Nhật Bản bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.jalan.net/news/article/415742/
https://www.studio-alice.co.jp/shortcut/sekku/column/detail48.html
https://www.ando-doll.com/hina/glossary/seven
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493
Website: shinvietnam.com
Facebook: Nhật ngữ SHIN
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Bên cạnh cầu Kênh Tẻ)