Nhật Bản nổi tiếng với các bộ môn thể thao truyền thống gắn liền với lịch sử nước nhà. Khi nhắc đến Samurai và Ninja, người ta liên tưởng đến hình ảnh những người đàn ông cầm kiếm, nhưng chắc có lẽ ít ai biết đến Nhật còn có một môn thể thao liên quan mật thiết đến kiếm, đó là Kiếm đạo (Kendou). Hôm nay các bạn cùng SHIN tìm hiểu qua bộ môn truyền thống này của Nhật nhé!!!
- Kiếm đạo là gì?
Kiếm đạo (剣道) là một trong những môn võ thuật, hay còn gọi là võ đạo của Nhật Bản. Môn võ biểu hiện sức mạnh thể chất và cả tinh thần.
Trước đây, đây là môn võ chỉ phù hợp với lối sống của các Samurai và chiến binh, nhưng ngày nay Kiếm đạo vô cùng phát triển, trở thành môn thể thao phù hợp với tất cả mọi người và thu hút được nhiều người theo học.
Những người chuyên về kiếm đạo được gọi là Kendoka (剣道家). Họ tập trung vào sự liên kết về tinh thần, thể chất lẫn tư tưởng nhằm mục đích tạo nên mô hình giao tiếp. Thông qua việc rèn luyện, năng lực tập trung được nâng cao giúp người tập có thể hòa nhập với xã hội tốt hơn và dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống.
- Nguồn gốc của Kiếm đạo
Sự xuất hiện của Nihonto, hay còn gọi là kiếm Nhật là bắt nguồn cho sự ra đời của môn võ kiếm đạo.
Kiếm kiểu Shinogi là độc nhất của Nhật Bản và xuất hiện vào giữa thời Heian (794-1185). Người ta cho rằng hình dạng ban đầu đã được sử dụng bởi các bộ lạc sống ở vùng Tohoku thuộc quần đảo Nhật Bản và rất giỏi trong các trận chiến kỵ binh vào đầu thời kỳ Heian. Kể từ đó, nó đã được sử dụng bởi các nhóm samurai, và công nghệ sản xuất đã phát triển vượt bậc vào cuối thời Mạc phủ Kamakura, chính phủ samurai đầu tiên ở Nhật Bản.
Vào nửa sau của Mạc phủ Muromachi (1392-1573), nhiều trường phái kiếm thuật khác nhau lần lượt được ra đời. Đến thời Mạc phủ Edo (1603-1867), khi kỷ nguyên hòa bình đến, kiếm thuật được thăng hoa. Thời đại Shotoku (1711 – 1715), Naganuma đã phát triển thiết bị kiếm đạo (đồ bảo hộ) và thiết lập phương pháp huấn luyện Uchikomi, trong đó các thanh kiếm (bằng kiếm tre) được đánh vào nhau. Đây chính là nguồn gốc trực tiếp của Kiếm đạo ngày nay.
Thời đại Horeki (1751-1764), Chuzoko Nakanishi theo phong cách đeo mặt nạ sắt và áp dụng phương pháp Uchikomi keiko sử dụng thiết bị áo giáp kiểu tre, nhanh chóng lan rộng ra nhiều trường phái. Vào khoảng thời đại Kansei (1789-1801), vượt qua rào cản của các trường phái khác nhau, và các kiểu đấu khác trở nên phổ biến, nhiều người đã tìm kiếm đối thủ mạnh và tập luyện võ thuật lần lượt. Khi yếu tố tinh thần của kiếm thuật thay đổi thì trọng tâm thể chất cũng vậy.
Kiếm thuật đã trở thành bộ môn nghệ thuật mang tính hài hòa nhưng cũng không kém phần kỷ luật, tập trung vào việc luyện tập và hoàn thiện sự chuyển động nhịp nhàng. Kiếm tre bắt đầu phổ biến vào thế kỷ 18 để người bình thường có thể luyện tập mà không bị thương. Và cũng trong một thời gian này, kiếm đạo được đưa vào môn học bắt buộc tại các trường học Nhật Bản.
Khi tầng lớp Samurai bị bãi bỏ trong công cuộc Minh Trị Duy Tân (1868), đã có một thời gian kiếm đạo bị cấm, tuy nhiên sau đó lại khôi phục và được ưa chuộng rộng rãi. Vào năm 1912, Nihon Kendo Kata được thành lập để thống nhất trong việc giảng dạy kiếm thuật. Qua đó, võ thuật và kiếm thuật chính thức được đổi tên thành Budo (武道 Võ đạo) và Kendo (剣道 Kiếm đạo), thay “thế thuật” thành “nghệ thuật”, “hành” thành “đạo” để nhấn mạnh việc tập trung vào các yếu tố tinh thần.
Trong thời kỳ Nhật Bản bị chiếm đóng, kiếm đạo lại bị cấm trong một khoảng thời gian ngắn vì được xem là bộ môn thực hành quân sự. Nhưng sau khi độc lập, bộ môn lại được khôi phục một lần nữa. Vào năm 1952 ngay sau đó, Liên đoàn Kiếm đạo Toàn Nhật Bản được thành lập và chính thức được công nhận vào năm 1954. Cho đến năm 1970, Liên đoàn Kiếm đạo Quốc tế được thành lập và Giải vô địch Kiếm đạo Thế giới đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Tokyo cùng năm đó. Ngày nay, có đến hơn 50 quốc gia tham gia. Cuộc thi được tổ chức 3 năm một lần, tại các địa điểm trên toàn thế giới.
- Triết lý và tinh thần của Kiếm đạo
Triết lý của Kiếm đạo: Kiếm đạo là đạo hình thành nhân cách thông qua việc rèn luyện các nguyên tắc trong sử dụng kiếm.
Tư tưởng nghệ thuật Kiếm đạo Kendo: Rèn luyện nhân cách con người qua nguyên tắc sử dụng cây kiếm. Mục đích của tập luyện Kendo chính là nâng cao thể lực, tinh thần cũng như phát triển văn hóa Nhật Bản, tính cách, trau dồi nghị lực.
Về cơ bản, kiếm đạo được thể hiện trong 4 chữ Khí, Kiếm, Thể, Nhất. Khí là khí công, kiếm là vũ khí, thể là thể lực và nhất là hợp nhất. Luyện Kendo phải làm sao cho chân khí nhập vào kiếm, phối hợp với sức mạnh cơ thể để những uy lực đó trở thành một. Một kiếm sĩ Kendo thượng thừa dường như không bao giờ tuốt kiếm ra khỏi vỏ vì chỉ nhìn tư cách của họ, kẻ đối diện thường sẽ bị khuất phục. Đường kiếm nhanh hơn cả tia chớp.
Khi võ sĩ Kendo vung kiếm, nghe tiếng gió lướt đi, người ta cũng có thể biết được trình độ của võ sĩ ấy. Càng ở cấp càng cao, võ sĩ Kendo càng thủ thế lâu và lặng lẽ.
Ý nghĩa của Kiếm đạo Nhật Bản: Võ sĩ Kendo được truyền dạy 5 đức tính. Thứ nhất, nhân đức, học Kendo để thực hiện mục tiêu nhân đức, tự cảm hóa và cảm hóa cho người khác, hướng đến sự nhân hậu. Thứ hai, công bằng chính trực, luôn bênh vực những kẻ yếu thế, công bằng và tôn trọng lẽ phải. Thứ ba, tư cách cao thượng, phải giữ mình ở trên những hận thù nhỏ nhen. Thứ tư, trí tuệ minh mẫn, có tư duy để nhận định được lẽ phải và sự tốt đẹp ở đời. Thứ năm, trung tín, luôn có lòng trung thành với mục tiêu cao cả, với đạo lý và giữ chữ tín ở đời.
Thái độ tập luyện Kendo: Học kiếm đạo một cách chính xác và nghiêm túc, rèn luyện thân tâm để rèn luyện ý chí kiên cường, thể hiện sự lịch thiệp qua các đặc tính của kiếm đạo, tôn trọng đức tin và sự chân thành, luôn nỗ lực tu dưỡng bản thân, yêu dân tộc và xã hội, lan tỏa hòa bình cho nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://www.kendo.or.jp/knowledge/kendo-origin/
- https://www.kendo.or.jp/knowledge/kendo-history/
- https://www.kendo.or.jp/knowledge/kendo-concept/
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)