Ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, thời gian nhập học sẽ rơi vào khoảng đầu tháng 9. Tuy nhiên, Nhật Bản thì không như vậy, ngày lễ khai giảng tại Nhật Bản sẽ rơi vào khoảng đầu tháng 4, là thời điểm hoa anh đào nở rộ. Vậy tại sao tháng 4 lại trở thành thời điểm bắt đầu năm học mới ở Nhật? Hôm nay hãy cùng SHIN tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Thời gian bắt đầu năm học mới của Nhật Bản qua các thời kỳ
• Thời kỳ Edo
– Vào thời Edo, Nhật Bản không có lễ khai giảng hay học kỳ mới. Vào thời điểm đó, những nơi được xem là trường học như *Terakoya, chùa,… không quy định thời điểm bắt đầu năm học cụ thể, và học sinh có thể nhập học bất cứ lúc nào.
(*Terakoya: Trường tư thục được thành lập vào thời Edo, dạy học chủ yếu là chữ Hán và toán học)
– Thời này, không chỉ người lớn mà phần lớn trẻ em đều là những nguồn lao động quan trọng. Do đó, việc học tập không thể diễn ra theo một thời gian biểu cố định. Ngoài ra, học phí tại Terakoya khá cao, và không phải gia đình nào cũng có đủ khả năng cho con em mình đi học. Do đó, việc nhập học thường được thực hiện khi gia đình có đủ điều kiện tài chính.
• Thời Minh Trị
Với sự ra đời của giáo dục Phương Tây trong thời Minh Trị Duy Tân, việc nhập học vào tháng 9 đã trở thành xu hướng chủ đạo của giáo dục đại học.
* Lý do tháng 4 được chọn là do phù hợp với năm tài chính của quốc gia
Tuy nhiên, vào năm Minh Trị 19 (năm 1886), khi năm tài chính của quốc gia được chuyển từ tháng 3 sang tháng 4 theo chỉ thị của Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, các trường Sư phạm Cao đẳng đã bắt đầu nhập học vào tháng 4. Lý do được cho là vì để thuận tiện cho việc điều phối ngân sách từ Chính phủ cho các hoạt động trường học, vì vậy mà năm học mới cũng phải được điều chỉnh phù hợp với thời điểm bắt đầu năm tài chính.
2. Khái niệm năm tài chính của Nhật
– Năm tài chính – 新年度 – shinnendo (hay còn gọi là năm tài khóa, năm ngân sách) là thời kỳ hoạch toán của doanh nghiệp hoặc chính phủ. Phần lớn các nước trên thế giới đều có năm tài chính trùng với năm dương lịch, tức là bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12.
– Tuy nhiên có nhiều quốc gia lại có năm tài chính khác. Đơn cử như Nhật Bản. Năm tài chính ở Nhật bắt đầu vào ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 31/3 của năm kế tiếp.
– Theo những tư liệu lịch sử, việc năm tài chính ở Nhật rơi vào tháng 4 là bắt đầu từ năm 1886 (năm Minh Trị thứ 19). Người phụ trách vấn đề tài chính lúc đó – Hoàng tử Masayoshi Matsukata – đã quyết định bắt đầu năm tài chính vào tháng 4 để cân bằng tài chính của mình, do ông đã sử dụng tiền thuế của năm tài chính trước để phục vụ cho việc mở rộng lực lượng vũ trang.
– Thêm nữa, vào những năm đó, Nhật Bản vẫn còn là một nước nông nghiệp, hơn 80% người dân Nhật Bản lúc đó sống bằng nghề trồng lúa. Vì vậy, nguồn thuế chính của Chính phủ lúc này là từ gạo của người nông dân. Tuy nhiên, khi nộp thuế thì người dân không chỉ nộp gạo mà còn phải nộp tiền, nên bắt buộc họ phải đổi gạo ra tiền.
– Thời gian thu hoạch lúa là vào mùa thu (khoảng tháng 10 – tháng 11), sau đó còn phải đổi ra tiền. Việc này cũng tốn khá nhiều thời gian nên năm tài chính kết thúc vào tháng 12 thì sẽ gây khó khăn cho Chính phủ khi thu thuế từ người dân.
3. Mùa xuân là mùa của sự khởi đầu
– Mùa xuân (tháng 4) ở Nhật Bản được xem là mùa khởi đầu mới. Đây là thời điểm hoa anh đào nở rộ, mang đến cảm giác tươi mới và tràn đầy năng lượng. Do đó, việc khai giảng vào tháng 4 được coi là một khởi đầu mới cho một năm học.
– Tháng 4 là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội ở Nhật Bản. Điều này có thể giúp học sinh tiếp cận với văn hóa truyền thống và gắn kết với cộng đồng.
– Tháng 4 ở Nhật Bản có khí hậu ôn hòa, dễ chịu, thuận lợi cho việc học tập.
– Việc khai giảng vào tháng 4 giúp học sinh có một kỳ nghỉ hè dài vào tháng 7 và tháng 8.
4. Thời gian khai giảng và nhập học tại Nhật Bản
– Ngày khai giảng ở Nhật thường diễn ra vào đầu tháng 4. Và tùy vào khu vực và trường học mà sẽ có thời gian khai giảng khác nhau.
– Một số trường học tổ chức khai giảng và bắt đầu học kỳ mới cùng ngày. Ngược lại, một số trường thì sẽ có ngày khai giảng và ngày nhập học khác nhau.
5. Các hoạt động trong ngày khai giảng
– Ngày nhập học ở Nhật Bản được gọi là Nyuugakushiki (入学式), với người Nhật đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm học mới và là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời của mỗi học sinh.
– Lễ nhập học thường được tổ chức trang trọng tại trường học bao gồm các hoạt động như:
• Diễn văn chào mừng
• Giới thiệu giáo viên
• Hát Quốc ca
• Giới thiệu trường học
– Vì là sự kiện mang tính quan trọng, nên trang phục trong ngày nhập học cũng được chú trọng.
Cha mẹ đến tham dự lễ nhập học cùng con
• Học sinh thường mặc đồng phục đến dự lễ khai giảng. Những học sinh tiểu học thường mang theo balo randoseru cứng cáp, đây được coi là biểu tượng của sự trưởng thành.
• Cha mẹ sẽ mặc những trang phục lịch sự đến dự lễ như vest, sơ mi, chân váy… và thường sẽ chọn những bộ trang phục tối màu, đơn giản.
So với các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, hệ thống giáo dục của Nhật Bản sẽ có cả ưu và nhược điểm đối với những bạn đang có ý định đến Nhật Bản du học. Vì vậy mà từ bây giờ hãy định hướng và lập kế hoạch dần cho bản thân của mình và đừng quên theo dõi Nhật ngữ SHIN để biết thêm thật nhiều kiến thức bổ ích về Nhật Bản bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://fumakilla.jp/foryourlife/404
https://tcj-education.com/ja/information/september-is-the-worlds-entrance-season/
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493
Website: shinvietnam.com
Facebook: Nhật ngữ SHIN
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)