Vào khoảng 16:10 ngày 1 tháng 1 năm 2024, một trận động đất mạnh với cường độ tối đa 7 độ Richter đã xảy ra ở Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản. Trận động đất gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, sạt lở đất, và sóng thần. Ngoài ra, hiện tượng sụt lún và mặt đất nhô cao đã được ghi nhận.
Nguyên nhân xảy ra động đất là gì? Nó là loại động đất gì? Đặc điểm và ảnh hưởng của nó ra sao? Dưới đây là những gì đã được tóm tắt từ các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia và được phân tích từ vệ tinh. (Cập nhật ngày 16 tháng 2 năm 2024: Đã có hơn 10.000 ngôi nhà ở 3 tỉnh Ishikawa, Toyama và Niigata bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đất hóa lỏng)
• Trận động đất cấp 7 đầu tiên ở tỉnh Ishikawa
…….Trận động đất xảy ra vào khoảng 16 giờ 10 phút ngày 1 tháng 1. Tâm chấn nằm ở vùng Noto thuộc tỉnh Ishikawa, với độ sâu là 16 km và cường độ động đất được đo bằng thang độ lớn Richter là 7.6. Đáng chú ý, đây là trận động đất mạnh hơn so với trận động đất gây ra thảm họa Hanshin – Awaji vào năm 1995 và trận động đất Kumamoto vào năm 2016 có cường độ 7.3 độ Richter.
…….Trận động đất vừa qua đã ghi nhận cường độ rung lắc cực kỳ mạnh với cấp 7 tại thị trấn Shika, tỉnh Ishikawa. Cùng với đó, nhiều khu vực khác cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ như: Thành phố Nanao, thành phố Suzu, thị trấn Anami, với cường độ rung lắc ở cấp 6 mạnh. Thị trấn Nakanoto, thị trấn Noto, thành phố Nagaoka (tỉnh Niigata) với cường độ rung lắc ở cấp 6 yếu. Đáng chú ý, sau khi phân tích dữ liệu, các máy đo địa chấn chưa truyền tải được thông tin vào thời điểm xảy ra động đất, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã xác định thêm thành phố Wajima cũng chịu ảnh hưởng bởi cấp 7.
…….Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tỉnh Ishikawa ghi nhận được trận động đất có cường độ cấp 7.
…….Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đặt tên cho chuỗi hoạt động động đất lần này là “Trận động đất bán đảo Noto năm 2024”. Sau đó, các trận động đất liên tục xảy ra (các dấu ● trong hình bên dưới biểu thị các trận động đất), số trận động đất có cường độ từ cấp 1 trở lên đã vượt quá 1500 trận trong vòng 1 tháng kể từ khi trận động đất xảy ra vào ngày 1 tháng 1.
• Cường độ rung lắc tương đương với đại thảm họa Hanshin – Awaji (Động đất Kobe năm 1995)
…….Kết quả phân tích dạng sóng địa chấn cho thấy độ mạnh của trận động đất có chu kì kéo dài từ 1 đến 2 giây, gây hư hại đáng kể cho các ngôi nhà làm bằng gỗ. Các chuyên gia cho rằng nó có thể được sánh ngang với trận động đất Hanshin – Awaji.
• Thiệt hại nhà cửa và hỏa hoạn liên tiếp xảy ra
…….Trận động đất với cường độ rung lắc tối đa đạt cấp 7 đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều tòa nhà bị sập đổ, hệ thống nước bị cắt, và nguy cơ sóng thần xuất hiện. Do việc dập lửa bị trì hoãn, các đám cháy lớn đã bùng phát ở diện rộng một số nơi như thành phố Wajima.
…….Qua khảo sát của các chuyên gia, tỷ lệ hỏa hoạn xảy ra cao hơn so với trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản.
…….Ngoài ra, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ước tính thiệt hại cho thấy có ít nhất 30% các tòa nhà ở trung tâm thành phố Wajima và Suzu đã bị phá hủy hoàn toàn, đây cũng là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
…….Các chuyên gia nhận định rằng, nguyên nhân dẫn đến sự sập đổ của nhiều tòa nhà là do ảnh hưởng của hoạt động động đất diễn ra liên tục ở khu vực Noto từ khoảng năm 2020, khiến cho khả năng chịu động đất của các tòa nhà bị suy giảm.
• [Chuyển động của đứt gãy] “Liệu có phải đứt gãy hoạt động có độ dài 150km đã dịch chuyển?”
…….* Đứt gãy (hay còn gọi là biến vị, đoạn tầng hoặc phay) là một hiện tượng địa chất liên quan tới các quá trình kiến tạo trong vỏ Trái Đất.
…….Người ta đã chỉ ra rằng trận động đất này xảy ra là do sự dịch chuyển của một đứt gãy hoạt động dài khoảng 150km từ hướng Đông Bắc trải dài đến Tây Nam. Đứt gãy này dài gấp 3 lần so với đứt gãy gây ra trận động đất HanShin – Awaji năm 1995 ở tỉnh Hyogo (khoảng 50km).
…….Thêm vào đó, qua phân tích của các chuyên gia về chuyển động của đứt gãy trong khu vực tâm chấn cho thấy một sự bất thường: đoạn đứt gãy nằm ở phía Đông Bắc bán đảo Noto hầu như không có chuyển động (được biểu thị bằng hình vuông màu vàng nhạt và trắng như hình bên dưới).
…….Điều này gây lo ngại bởi các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu một trận động đất quy mô lớn xảy ra dọc theo đứt gãy này, sóng thần có thể tràn vào bờ biển Niigata.
• Sóng thần đạt đến độ cao hơn 4m ở thành phố Suzu và thị trấn Noto
…….Nhiều nơi ghi nhận xuất hiện sóng thần và đã có thiệt hại do nhà cửa bị cuốn trôi.
…….Theo phân tích của các chuyên gia, ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần đã xuất hiện và có thể ập vào thành phố Suzu trong khoảng 1 phút, thành phố Nanao trong khoảng 2 phút và thành phố Toyama trong khoảng 5 phút.
…….Dấu tích của sóng thần cho thấy nó đã đạt độ cao 4,7m tại Shiromaru và Noto, cao 4,3m tại cảng Lida, thành phố Suzu. Ngoài ra, tại công viên Funami ở thành phố Joetsu, tỉnh Niigata, người ta tìm thấy những mảnh vỡ do sóng thần cuốn vào trên bậc thềm cao 5,8m.
…….Người ta cũng chỉ ra rằng một vụ “lở đất dưới đáy biển” có thể đã xảy ra, gây ra sóng thần.
…….Theo kết quả điều tra của Cảnh sát biển Nhật Bản, một phần sườn dốc dưới đáy Vịnh Toyama đã bị sập với độ sâu lên đến 40m. Các chuyên gia cho rằng đây là “kết quả điều tra quan trọng, củng cố bằng chứng về việc sạt lở dưới đáy biển đã xảy ra và gây ra sóng thần”. Phát hiện này được đánh giá cao vì có thể giúp giải thích nguyên nhân khiến sóng thần tấn công thành phố Toyama chỉ sau 3 phút từ tâm chấn động đất bán đảo Nato, vốn cách xa thị trấn này.
• “Chuyển động mặt đất” cao 4m trên diện tích đất liền bán đảo Noto
…….Ngoài ra, hiện tượng “nâng lên” của nền đất đã được xác nhận trên một khu vực rộng lớn ở bờ biển phía Bắc của bán đảo Noto.
…….Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia cho thấy bán đảo Noto đã mở rộng diện tích đất liền khoảng 4,4 km2 . Đường bờ biển ở thành phố Wajima đã mở rộng ra biển xa nhất 240 m, và ở thành phố Suzu là 175 m. Nhiều cảng biển đã gần như cạn nước do sự thay đổi này.
…….Tại thành phố Wajima, các chuyên gia khảo sát đã phát hiện ra rằng đê chắn sóng và các rạn đá dọc bờ biển đã được nâng lên khoảng 4m. Ở phía Bắc bán đảo Noto có một địa hình dạng bậc thang được cho là đã hình thành do những trận động đất lớn xảy ra lặp đi lặp lại trong quá khứ. Các chuyên gia cho rằng “Việc nâng lên tới 4m là một sự kiện hiếm gặp và chỉ xảy ra vài nghìn năm một lần”.
…….Ngoài ra, theo khảo sát của Viện Khoa học Địa lý Quốc gia Nhật Bản, tại thành phố Suzu, tỉnh Ishikawa, mặt đất đá đã được nâng lên trên chiều dài khoảng 4km, tạo ra một “vách đá” cao hơn 2m ở một số nơi.
• “Thảm họa lở đất” gây hàng loạt thiệt hại, sập bờ kè ở vùng cảnh báo
…….Nhiều nơi đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất.
…….Theo kết quả điều tra của các chuyên gia, trận động đất bán đảo Noto đã gây ra thiệt hại cho ít nhất 34 tòa nhà do lở đất. Hơn 80% trong số đó nằm trong khu vực cảnh báo nguy cơ lở đất. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên kiểm tra xem khu vực mình sinh sống có nằm trong khu vực cảnh báo hay không.
• Sự sụp đổ của các nền đất đang ngày càng gia tăng
…….Tại thành phố Nanao và thị trấn Tsubana thuộc tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, các khu đất được tạo ra bằng cách san lấp đất đã bị sập, gây thiệt hại cho nhà cửa. Các chuyên gia đã khảo sát khu vực này và cho rằng: “Cần phải kiểm tra lại độ an toàn của các nền đất.”
• Sự hóa lỏng/ tắc nghẽn dòng chảy
…….Hiện tượng hóa lỏng, sạt lỡ sườn dốc đã gây ra nhiều thiệt hại, dẫn đến “tắc nghẽn các con sông”. Theo ước tính, thiệt hại về nhà ở do hóa lỏng ở ba tỉnh Ishikawa, Toyama và Niigata có thể vượt quá 10.000 căn nhà.
…….Tại thị trấn Uchida, hiện tượng hóa lỏng đã xảy ra khiến cho một tòa nhà chìm xuống mặt đất, nhiều vết nứt xuất hiện ở khu vực lân cận, và có bằng chứng cho thấy mặt đất đã dịch chuyển theo hướng ngang. Một số khu vực khác cũng ghi nhận hiện tượng đất lỏng chảy sang khu vực thấp hơn do ảnh hưởng của hóa lỏng. Sau khi khảo sát, các chuyên gia phát hiện ra rằng một số ngôi nhà đã dịch chuyển tới 12m theo phương nằm ngang. Nguyên nhân được xác định là do “dòng chảy ngang” xảy ra, khiến cho nền đất sụt lún mạnh mẽ theo hướng ngang.
…….Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia, thiệt hại do hiện tượng hóa lỏng gây ra còn xảy ra ở các “cồn cát” được hình thành từ việc cát di chuyển theo gió. Đặc biệt, thiệt hại do hiện tượng này gây ra tập trung nhiều hơn ở khu vực hướng đất liền chứ không phải khu vực ven biển Nhật Bản.
• Một trong những nguyên nhân là do chất lỏng chảy dưới lòng đất
…….Tại bán đảo Noto, hoạt động địa chấn gia tăng từ năm 2020 và một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do “dòng chảy” dưới lòng đất.
…….Tiến sĩ Takaya Nishimura thuộc Viện Nghiên cứu Phòng chống Thiên tai Đại học Kyoto, người đã tiến hành phân tích, cho rằng “dòng chảy” này có thể là nguyên nhân gây ra trận động đất lớn này. Ông cũng cảnh báo rằng cần phải chú ý đến khả năng nó ảnh hưởng đến hoạt động động đất trên diện rộng hơn trong tương lai.
• Hoạt động động đất trong tương lai
…….Hai tháng đã trôi qua kể từ trận động đất xảy ra trên bán đảo Noto.
…….Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết mặc dù số lượng trận động đất có tâm chấn ở khu vực Noto và các khu vực lân cận đang dần giảm, nhưng hoạt động động đất vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, người dân cần lưu ý khả năng xảy ra các trận động đất có cường độ tối đa từ 5 trở xuống hoặc cao hơn trong khoàng 2 đến 3 tuần tới.
…….Hơn nữa, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng hoạt động địa chấn đang gia tăng ở cả thành phố Kanazawa và Vịnh Toyama, là những khu vực cách xa tâm chấn động đất bán đảo Noto. Do đó, cần chú ý đến nguy cơ rung lắc do động đất và sóng thần trong phạm vi rộng.
• Đánh giá rủi ro của các đứt gãy
…….Hàng năm, Chính phủ đánh giá nguy cơ xảy ra các “đứt gãy chính” có ảnh hưởng lớn đến xã hội, và có 31 khu vực được xếp hạng “S” tức là mức độ nguy hiểm nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong số này không bao gồm các đứt gãy đang hoạt động được cho là có liên quan đến trận động đất ở bán đảo Noto.
Các đứt gãy hoạt động trên toàn quốc (Nguồn: Trụ sở Xúc tiến Nghiên cứu động đất
…….Mặt khác, mặc dù các đứt gãy lần này không phải là “đứt gãy chính”, nhưng các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra nhiều đứt gãy hoạt động khác nằm dưới đáy biển Nhật Bản. Điều này cho thấy tiềm năng xảy ra động đất trong khu vực.
Đường màu đỏ là những đứt gãy ngầm đang hoạt động (Nguồn: Ủy ban nghiên cứu động đất quy mô lớn ở biển Nhật Bản)
…….Các chuyên gia nhận định rằng việc đánh giá rủi ro của các đứt gãy hoạt động trước đây chủ yếu chỉ tập trung vào đất liền. Vì vậy, cần xem xét lại phương pháp khảo sát đứt gãy hoạt động ở khu vực quen biển với tư cách là “các đứt gãy dọc ven biển trở thành điểm mù”.
…….Ngoài ra, sau khi bị động đất ở Noto, Ủy ban nghiên cứu động đất của Chính phủ dự tính rằng họ sẽ công bố kết quả đánh giá hoạt động của các chuyên gia về các đứt gãy đang hoạt động ở khu vực biển bao gồm cả bán đảo Noto vào năm 2024 ngay khi được tổng hợp.
Trận động đất Noto gây ra nhiều thiệt hại cho người dân tỉnh Ishikawa nói riêng và toàn nước Nhật nói chung. Đừng quên theo dõi Nhật ngữ SHIN để thường xuyên cập nhật thêm nhiều kiến thức liên quan tới tiếng Nhật bạn nhé!
NGUỒN THAM KHẢO
https://www3.nhk.or.jp/news/special/saigai/select-news/20240108_03.html
https://www.jishin.go.jp/main/img/hyoka_katsudanso.png
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9t_g%C3%A3y
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493
Website: shinvietnam.com
Facebook: Nhật ngữ SHIN
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)