Nói đến Nhật Bản thì chúng ta không thể không nhắc đến trà đạo, một nét văn hóa truyền thống rất Nhật Bản. Từ không gian, cách pha trà, đến nghi thức thưởng trà đều thể hiện tính cách điềm đạm của người Nhật. Trong đó không gian là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến không khí của buổi thưởng trà. Sau đây, các bạn hãy cùng Nhật ngữ SHIN tìm hiểu về không gian thưởng thức trà cũng như phong cách thiết kế, bày trí để xem nó mang màu sắc ra sao nhé!
1. Thế nào gọi là trà thất?
Chashitsu (茶屋) – Trà thất là một căn phòng dùng để thưởng trà, người chủ của buổi trà đạo sẽ mời các vị khách của họ thưởng trà theo nghi thức của buổi trà đạo. Trong trà thất, trên bức tường thì người Nhật thường treo tranh, thơ hoặc những câu đối. Còn ở dưới sàn thì trải những tấm chiếu Tatami. Vậy tấm chiếu Tatami là gì thì sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nhé!
Tatami là tấm chiếu hình chữ nhật được làm từ rơm khô ép chặt vào nhau dùng để trải sàn trong ngôi nhà truyền thống của Nhật. Lớp bên ngoài bao bọc miếng ép bằng rơm là chiếu cói, viền của chiếu Tatami thì được bọc bằng vải dệt hoặc vải trơn và thường có màu xanh lá tạo cảm giác mát mẻ.
Chiều dài của tấm chiếu Tatami thường gấp đôi chiều rộng, kích cỡ truyền thống của nó là 910 mm ×1820 mm, dày 55 mm. Tuy nhiên, tùy vào diện tích của căn phòng mà tấm chiếu Tatami này có những kích thước khác nhau, về cơ bản đối với một Chashitsu – trà thất thì dùng 4.5 tấm chiếu Tatami trải ở trung tâm căn phòng.
Ngày nay để tăng độ bền và độ cách nhiệt người ta còn sử dụng chất liệu hóa học để thay cho rơm. Chiếu làm bằng rơm rạ thì sẽ có nhược điểm là dễ thu hút những con côn trùng đến, điều này có thể gây dị ứng, ngứa đến những vị khách có da nhạy cảm. Tuy nhiên, dùng tấm chiếu bằng rơm sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác gần gũi với thiên nhiên hơn, đơn sơ, mộc mạc và giản dị.
Ngoài tấm chiếu Tatami trải dưới sàn thì bên trong trà thất người Nhật còn treo những câu đối, vần thơ, có khi là những bức tranh lên một hốc tường gọi là Tokonoma. Cụ thể, họ đặt một bình hoa cắm theo phong cách Chabana (茶花) – là phong cách cắm hoa giống Ikebana ở chỗ coi trọng, tôn vinh những loài hoa theo mùa tương ứng.
Tuy nhiên Chabana lại mang thiên hướng thiên về vẻ đẹp hoang dại, tự nhiên hơn so với Ikebana. Bên cạnh Chabana là Kakejiku – một bức vải trống. Tùy vào thời điểm mà người Nhật sẽ dán bức thư pháp, câu đối có ý nghĩa, bức tranh thiên nhiên lên đó.
2. Trà viên là gì?
Chatei (茶庭) – Trà viên là một khu vườn xung quanh trà thất, bao gồm cả trà thất. Bên cạnh cây cảnh thì trong khu vườn thì còn có những đồ vật như Tsukubai – một loại chậu nước bằng đá, Tourou – đèn chiếu sáng lối đi lại vào buổi tối trong buổi trà đạo, Tobiishi – những tảng đá xếp thành lối đi lại vào trà thất…
Tsukubai là một cái chậu đựng nước được làm bằng đá, người ta khoét những tảng đá ra thành một cái chậu rỗng để chứa nước bên trong, đặt trên chậu đá là một cái gáo bằng gỗ để múc nước rửa tay. Tsukubai được đặt ngay bên cạnh lối ra vào trà thất. Trước khi bước vào trà thất để thực hiện nghi lễ trà đạo thì các vị khách sẽ thanh tẩy bản thân bằng cách lấy gáo múc nước trong chậu đá Tsukubai để rửa tay, rửa miệng.
Tourou là một loại đèn lồng được làm bằng đá có tác dụng chiếu sáng lối đi lại trong buổi trà đạo vào ban đêm, so với các loại đèn chiếu sáng thông thường thì đèn lồng Tourou mang lại cảm giác ấm cúng sang trọng hơn. Ngoài ra ánh đèn nhẹ dịu còn tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho những vị khách đến thưởng trà.
Tobiishi là những tảng đá được sắp xếp thành một lối đi lại, để cho mọi người có thể đi lên và tránh giẫm vào cây và cỏ, nó thường được thấy ở trong khu vườn kiểu Nhật. Ngoài ra, nó còn được làm thành đường lối đi vào trà thất.
3. Sự khác nhau giữa trà thất và trà viên là gì?
Theo như phân tích ở trên thì sự khác biệt rõ rệt nhất giữa trà thất và trà viên đó là về không gian. Nếu như không gian của trà thất chỉ gói gọn bên trong căn phòng rộng tối thiểu 4.5 tấm chiếu Tatami thì không gian của trà viên là tích hợp không gian của trà thất và cả khu vườn xung quanh trà thất.
Đối với trà thất thì chúng ta chỉ thưởng trà ở trong phạm vi của trà thất thôi, còn đối với trà viên chúng ta còn có thể thực hiện nghi lễ trà đạo ở trong trà thất và vừa có thể ngắm nhìn cảnh vật tự nhiên và vừa thưởng trà. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa trà thất và trà viên.
Không gian của trà thất được bày trí theo phong cách rất Nhật Bản – đơn giản, trang trọng mà mang lại trang nhã, ấm cúng,…Còn đối với trà viên thì không gian là bao gồm trà thất kết hợp với cảnh vật thiên nhiên như cây cảnh, nước, những tảng đá,… sẽ tạo cảm giác thư thái, dễ chịu,…
4. Xu hướng trà thất, trà viên ngày nay
Bên cạnh trà thất có thiết kế mang đậm phong cách truyền thống Nhật Bản thì ngày càng xuất hiện thêm những trà thất mang nhiều phong cách khác nhau.
Ví dụ như trà thất vừa mang tính truyền thống, cổ điển vừa mang một chút phong cách hiện đại: Trà thất kết hợp trong không gian sống, sinh hoạt ngay tại nhà, người Nhật sẽ bày trí trà thất trong một góc của phòng khách hoặc phòng ăn.
Một ví dụ về trà thất được thiết kế phá cách mang phong cách hiện đại nữa là căn phòng được cố tình bôi vữa thạch cao màu đen một cách không đều ở trong hốc tường, trên trần chỗ ngay hốc tường đó sẽ gắn chiếc đèn downlight – đèn âm trần – có hướng chiếu sáng từ trên xuống, tạo ánh sáng mờ mờ, điều này làm bầu không khí thêm chút hiện đại.
Dù là mang phong cách truyền thống hay hiện đại thì cũng không thể phủ nhận sự sáng tạo và linh hoạt trong việc biến đổi không gian trà thất sao cho phù hợp với nhu cầu sở thích của từng người. Sự biến đổi này không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của trà thất mà còn làm mới và đa dạng thêm không gian trà thất. Điều này khiến cho trải nghiệm của các vị khách thêm phong phú, tươi mới.
Cùng SHIN khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích về Nhật Bản tại đây nha!!!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://kotobank.jp/word/%E8%8C%B6%E5%AE%A4-96699
- https://raq-hiphop.com/nihon-teien-type-roji/
- https://suvaco.jp/doc/tea-japaneseroom-170316
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)