Có bao giờ bạn thắc mắc trẻ em bên Nhật mấy tuổi mới vào học, có cùng học theo lộ trình và thời gian như nước mình không nhỉ? Ngoài ra, ở Nhật, sau khi học đại học nếu học lên nữa thì có học Thạc sĩ như mình hay không?
Mọi thắc mắc sẽ được SHIN giải đáp “tất-tần-tật” ngay và luôn nhé!!!
- Các bậc học tại Nhật Bản
Cũng giống với giáo dục Việt Nam, hệ thống giáo dục ở Nhật Bản cũng được chia thành các cấp học chính như mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học. Tuy nhiên thời gian học sẽ khác hơn một chút.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Bậc Mẫu giáo. Mẫu giáo ở Nhật Bản chỉ nhận các bé từ 4-6 tuổi. Trong khi đó, tại Việt Nam, các trường Mẫu giáo đều nhận các bé từ 3-6 tuổi. Ngoài ra, do nhu cầu của thị trường mà ở Việt Nam còn có các nhà trẻ nhận các trẻ em từ gần 1 tuổi đến dưới 3 tuổi.
Bậc Tiểu học (小学校) là bậc học dành cho trẻ từ 6-12 tuổi. Cũng giống như Việt Nam, đây là bậc học bắt buộc tại Nhật. Những gia đình có con em mang quốc tịch Nhật Bản, đủ tuổi đi học sẽ nhận được thông báo từ cơ quan nhà nước quản lý trên địa bàn sinh sống và tiến hành các thủ tục như khám sức khỏe,… để chuẩn bị cho việc nhập học. Nếu như ở Việt Nam, học Tiểu học khoảng 5 năm thì bên Nhật tăng tăng thêm 1 năm, tức là 6 năm.
Bậc Trung học cũng giống như Việt Nam chia ra làm 2 bậc học là Trung học cơ sở(中学校) và Trung học Phổ thông (高校). Giống với Việt Nam, giáo dục Trung học cơ sở là giáo dục bắt buộc, dành cho đối tượng từ 13-15 tuổi. Sau khi học xong Trung học cơ sở thì sẽ tiếp tục học lên Trung học Phổ thông. Tuy nhiên, chương trình Trung học Phổ thông không phải là chương trình bắt buộc nên nếu muốn học tiếp lên thì phải đăng ký dự thi. Điều này thì khá giống với Việt Nam của chúng ta. Chương trình Trung học Phổ thông học trong 3 năm. Tuy nói là chương trình Trung học Phổ thông là chương trình không bắt buộc nhưng hiện nay tại Nhật Bản tỷ lệ học bậc học này gần như là 100%.
Bên cạnh đó, tại Nhật cũng có các chương trình đào tạo sau trung học phổ thông, là các trường trung cấp, cao đẳng, đại học,… và không bắt buộc.
Ngoài ra còn các cấp học khác là:
+ Giáo dục nghề tổng hợp (専修学校一般課程): không yêu cầu đầu vào. Có rất nhiều chương trình được giảng dạy, như may vá trang phục Nhật, phương tây, Nghệ thuật, Thiết kế và nấu ăn.
+ Nhật Bản không có giáo dục thường xuyên và giáo dục cho các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang nhân dân như Việt Nam.
- Các học vị tại Nhật Bản
Senmonshi (専門士) được phong cho sinh viên tốt nghiệp một trường cao đẳng kỹ thuật với ít nhất hai năm đào tạo. Danh hiệu “Senmonshi” tương đương với Bằng Cử nhân Cao đẳng và có thể chuyển tiếp lên Đại học.
Koudo Senmonshi (高度専門士) phong cho sinh viên tốt nghiệp một trường cao đẳng với ít nhất 4 năm học, có thể học tiếp lên Cao học.
Cử nhân Cao đẳng (短期大学士) là cấp cho những người đã tốt nghiệp các trường Đại học ngắn hạn hoặc các trường Cao đẳng. Đối với chương trình Đại học ngắn hạn 2 năm. Điều kiện để tốt nghiệp là phải học từ 2 năm trở lên, lấy được trên 62 tín chỉ. Đối với chương trình Đại học ngắn hạn 3 năm, điều kiên để tốt nghiệp là phải học từ 3 năm trở lên, lấy được trên 93 tín chỉ. Còn đối với trường Cao đẳng, điều kiện để tốt nghiệp là phải học từ 5 năm trở lên và lấy được 167 tín chỉ. Khi cử nhân Cao đẳng có nhu cầu có thể chuyển tiếp lên học Đại học.
Cử nhân (学士) là bằng cấp phổ biến nhất được cấp khi tốt nghiệp Đại học. Điều kiện để tốt nghiệp Đại học của Nhật Bản là phải học ở các trường Đại học Nhật Bản từ 4 năm trở lên (đối với các ngành Y, Nha, Thú y là từ 6 năm trở lên) và hoàn thành tốt nghiệp Đại học. Ở Việt Nam, sau khi hoàn thành xong chương trình Đại học và tốt nghiệp thì cũng sẽ nhận được bằng Cử nhân (những người tốt nghiệp ngành kỹ thuật sẽ được cấp bằng kỹ sư). Thông thường các Cử nhân sẽ trải qua chương trình đào tạo 4 năm (ngoại trừ một số ngành như bác sĩ,…).
Thạc sĩ (修士) là học vị dành cho người đã hoàn thành xong chương trình Thạc sĩ tại một trường sau Đại học. Điều kiện để tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ là phải học từ 2 năm trở lên (một số ngành, có số chuyên môn đặc biệt được quy định số năm học của chương trình Thạc sĩ riêng, thì tuân theo quy định này), lấy được trên 30 tín chỉ và có luận văn Thạc sĩ được viết dưới sự hướng dẫn của Giáo sư và đã được Hội đồng Giám khảo của khoa chấm đỗ. Học vị Thạc sĩ ở Nhật và ở Việt có nét giống nhau. Tức là các Cử nhân có ý định học lên cao sẽ hoàn thành chương trình học Thạc sĩ và có luận văn Thạc sĩ, luận văn được đưa ra Hội đồng Giám khảo chấm. Sau khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ thành công thì người đó chính thức nhận được bằng Thạc sĩ. Bằng Thạc sĩ là bước đầu tiên trước khi tiến tới chương trình Tiến sĩ. Vì vậy, bằng Thạc sĩ là bằng cao thứ 2 sau bằng Tiến sĩ.
Tiến sĩ (博士) là học vị dành cho người hoàn thành xong chương trình bậc Tiến sĩ. Điều kiện để tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ là phải học từ 5 năm trở lên (đối với những người đã có bằng Thạc sĩ, là từ 3 năm trở lên), lấy được 30 tín chỉ và có luận án Tiến sĩ được viết dưới sự hướng dẫn của các giáo sư và được Hội đồng Giám khảo chấm đỗ. Ở Việt Nam, Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục cũng như trong nghiên cứu khoa học. Những người được cấp bằng tiến sĩ đều phải có những lý luận, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn của riêng mình thì mới được cấp bằng. Đây là học vị cao nhất tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- 日本の学校制度 https://tabunka.tokyo-tsunagari.or.jp/guide/educ/01.html
- 日本の学校制度の概要 https://www.criced.tsukuba.ac.jp/keiei/kyozai_ppj_f1.html
- 「博士」「修士」「学士」ってどう違うの? 各学位取得までに必要な学費目安や初任給の変化は? https://gakumado.mynavi.jp/gmd/articles/16907
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)