Chắc hẳn mọi người đều sẽ đọc qua hoặc từng nghe qua từ “Shudan” và “Houhou”. Cả 2 từ này khi viết bằng Kanji lần lượt là 手段、方法 và đều có nghĩa là cách thức. Ngay cả người Nhật cũng rất hay dùng nhầm hai từ trên. Vậy thì khi nào chúng ta sử dụng “Shudan” khi nào chúng ta sử dụng “Houhou”, hãy cùng với SHIN tìm hiểu ngay sau đây cách phân biệt từ Shudan và Houhou nhé.
Cách sử dụng của “Shudan” và “Houhou”
Đầu tiên, đối với chữ “Shudan” 「手段」 kanji được viết từ chữ “THỦ” và chữ “ĐOẠN”, còn “Houhou” 「方法」kanji được viết từ chữ “PHƯƠNG” và chữ “PHÁP”.
Tiếp theo sau, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu thêm về cách dùng của “Shudan” và “Houhou”
- Shudan : phương thức, chiến lược, phương tiện, cách làm một cách cụ thể, để đạt được mục tiêu đó.
- Houhou : cách làm nói chung, phương pháp nói chung, để đạt được mục đích đề ra thì chúng ta phải lên kế hoạch, cách làm một cách tổng quát.
Dưới đây sẽ là 1 vài ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn nhé”
Ví dụ 1:
⭕️サービスのご利用方法
❌サービスのご利用手段
(Cách sử dụng dịch vụ.)
Trong ví dụ đầu tiên, chúng ta thấy rằng trong trường hợp trên đang muốn nói đến “Houhou” là phương pháp đạt được mục đích khi mục đích được đưa ra một cách rõ ràng, như ví dụ là “sử dụng dịch vụ”. Còn “Shudan” lại là cách cụ thể để biến một điều, chuyện gì đó xảy ra. Tóm lại, khi nói “cách” để đạt được mục đích là “sử dụng dịch vụ” nên sử dụng “Houhou”.
Còn “Shudan” với nghĩa là cách cụ thể để biến một việc gì thành hiện thực và không chú trọng vào mục đích đưa ra nên sẽ không phù hợp. “Shudan” thể hiện cách chúng ta cần làm để đạt được mục tiêu của mình và những cách cụ thể để chúng ta có thể đạt được điều gì đó.
Vậy nên, chúng ta sẽ không thể thay thế “Shudan” cho “Houhou” trong câu ví dụ trên vì thay như vậy thì cách nói sẽ trở nên không tự nhiên.
Ví dụ 2:
⭕️鉄道という新しい交通手段が開発された。
(Một phương tiện giao thông mới đã được phát triển, đó là đường sắt.)
❌鉄道という新しい交通方法が開発された。
Trong ví dụ thứ hai, chúng ta thấy rằng không thể thay thế “Shudan” bằng “Houhou” được vì trong “Shudan” có nghĩa là phương tiện thực hiện, trong khi “Houhou” lại là phương pháp, cách làm nói chung. Vì phương tiện liên lạc mới ở đây được chỉ ra cụ thể là đường sắt cho nên không thể sử dụng Houhou để nói một cách chung chung được, như vậy là không hợp lý so với nghĩa của câu trên.
Ví dụ 3:
⭕️彼はこのような方法で成功した。
⭕️彼はこのような手段で成功した。
(Anh ta đã dùng cách này để thành công.)
Trong ví dụ thứ ba, ta nhận thấy rằng cả hai từ “Houhou” và “Shudan” đều có thể thay thế cho nhau trong cùng một câu đều được, không hề sai. Tuy nhiên, phạm vi đề cập sẽ được thay đổi, người nghe sẽ hiểu khác đi. Khi sử dụng “Houhou” phạm vi được nhắc đến cũng được mở rộng ra hơn so với “Shudan”. Trong trường hợp trên, đối tượng là toàn bộ những cách liên quan để dành được mục đích là “thành công”. Câu có chứa “Houhou” sẽ được hiểu như là “Anh ta đã lên kế hoạch, phương pháp làm như thế này để thành công”.
Mặt khác, nếu thay “Shudan” vào câu thì phạm vi hiểu về cách làm dẫn đến thành công sẽ bị thu gọn lại. Người nghe sẽ chỉ hiểu là “Anh ta dùng chiêu này để thành công”. “Shudan” chỉ vào một cách làm cụ thể nào đó chứ không phải phương pháp nói chung như “Houhou”.
Như vậy, “Shudan” là một phần nằm trong “Houhou”. Hay nói cách khác, phương pháp “Houhou” bao gồm phương tiện thực hiện “Shudan” trong đó. Nên nếu sử dụng “Shudan” thì phạm vi được đề cập trong câu nói sẽ được thu hẹp lại hơn so với khi dùng “Houhou”.
Vậy cách phân biệt từ Shudan và Houhou như sau:
- “Houhou” là phương pháp, cách làm nói chung
- “Shudan” là một phần trong “Houhou”, nghĩa là chiến lược, phương thức, phương tiện, cách làm từng bước một.
- Khi dùng “Houhou” phạm vi sẽ được hiểu rộng ra, từ đó ý nghĩa cũng đã thay đổi. So với “Shudan” thì phạm vi hiểu hẹp lại và thể hiện một cách thức cụ thể nào đó.
Kết luận, chúng ta cần phân biệt từng ngữ cảnh và sử dụng “Shudan”, “Houhou” cho hợp lý, tránh gây nhầm lẫn.
Hi vọng với những lưu ý về cách phân biệt từ Shudan và Houhou trên đây, bạn có thể tự tin áp dụng trong quá trình học tập của mình nhé!
————————
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 & 0367 687 346
Facebook: Nhật ngữ SHIN
Cơ sở 1: 285/2 Cách mạng tháng 8, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)