Ở Nhật Bản, ngày 3/3 hàng năm được biết đến là ngày Lễ hội Hinamatsuri (Lễ hội búp bê). Vậy vào ngày này, người Nhật thường có những hoạt động ăn mừng gì? Hãy cùng SHIN tìm hiểu nhé!
Hinamatsuri là ngày gì?
Hinamatsuri được tổ chức vào ngày 3/3 hàng năm với ý nghĩa cầu nguyện cho các bé gái sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc. Và đây cũng là dịp để gia đình có thể tụ họp cùng nhau ăn mừng.
Nguồn gốc
Hinamatsuri là một lễ hội truyền thống có nguồn gốc lâu đời. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc ngày này. Một trong số đó là sự du nhập của ngày Joshi no sekku (上巳の節句) của Trung Quốc. Người Trung Quốc quan niệm rằng vào những ngày này âm khí dễ dàng bị xâm nhập. Vì thế, lễ hội được tổ chức nhằm xua đuổi âm khí.
Phong tục này được du nhập vào Nhật Bản, vào thời Heian, giới quý tộc ở Nhật Bản có phong tục “Nagashi bina (流しびな)”, phong tục thả trôi những con búp bê bằng đất hoặc giấy xuống sông nhằm xua đuổi vận xấu. Dần dần, ngày này trở thành lễ hội thường niên ở Nhật Bản vào thời kỳ Edo. Người Nhật bắt đầu trang trí búp bê với những phụ kiện trang trí. Tuy nhiên, vào thời điểm này, lễ hội chỉ dành cho giới Samurai và giới quý tộc, mãi cho đến thời Minh Trị, lễ hội Hinamatsuri mới được ăn mừng rộng rãi.
Búp bê Hina
Búp bê Hina (ひな人形) là một món đồ trang trí cho lễ hội. Tùy thuộc vào phương thức chế tác, búp bê Hina được chia thành hai loại: Kimekomi (木目込人形) và Ishochaku (衣裳着人形).
Kimekomi là loại búp bê bằng gỗ, trên thân búp bê được khắc nhiều rãnh khác nhau để đính vải vào trong tạo nên trang phục cho búp bê. Đây là phương thức chế tác búp bê truyền thống của Nhật Bản.
Ishochaku là loại búp bê được khoác lên mình những bộ trang phục may sẵn nhưng cầu kỳ, tinh xảo. Đặc trưng của búp bê Ishochaku chính là biểu cảm khuôn mặt được các nghệ nhân chế tác búp bê tỉ mỉ vẽ nên. Chúng thường mang vẻ đẹp dễ thương, hiện đại.
Vào dịp này, gia đình có con gái ở nhà đều bày một bộ búp bê ở nơi trang trọng nhất trong nhà, được gọi là Shichidan Kazari (七段飾り). Bộ búp bê bao gồm bảy tầng, mỗi tầng được trang trí với những con búp bê tương ứng với tầng đó.
- Tầng 1: Là tầng cao nhất của bộ búp bê. Ở tầng được đặt búp bê Thiên Hoàng và Hoàng hậu, được gọi là Dairibina (内裏びな). Việc đặt Dairibina ở tầng cao nhất thể hiện địa vị cao quý của Thiên Hoàng và Hoàng hậu. Sau lưng Thiên Hoàng và Hoàng hậu được trang trí bằng tấm bình phong màu vàng; hai bên vị trí của búp bê có hai cái đèn giấy hoa Bonbori.
- Tầng 2: Là tầng của ba cung nữ, Sannin kanjo (三人官女). Hai búp bê hai bên được đặt với tư thế đứng và búp bê ở vị trí chính giữa được đặt theo thế ngồi. Lần lượt từ trái sang, búp bê cung nữ cầm các đồ vật là: Choushi (銚子), Sanpou(三方), Hisage (提子).
- Tầng 3: Là tầng của năm nhạc công, Gonin Bayashi. Các búp bê nhạc công trên tay cầm các loại nhạc cụ khác nhau lần lượt: dùi trống, trống lớn, trống nhỏ, sáo và người ca cầm quạt trên tay.
- Tầng 4: Là tầng của hai đại thần, Zuijin (随身). Bên trái là búp bê đại thần trẻ, cai quản sức mạnh và bảo hộ con người, nhà cửa. Bên phải là đại thần lớn tuổi tinh thông văn võ. Ở giữa hai búp bê được trang trí với các kệ bánh Hishi Mochi (ひし餅) và Hina-arare (ひなあられ).
- Tầng 5: Là tầng của ba hộ vệ của Thiên Hoàng và Hoàng hậu, Jichou (仕丁). Trên tay hộ vệ là các món đồ dùng cho việc dọn dẹp như chổi, cây cào lá, đồ hốt rác.
- Tầng 6: Là tầng bài trí các đồ dùng trong dịp lễ cưới.
- Tầng 7: Là tầng trang trí các món đồ khác như: giỏ tre, xe ngựa,…
Tuy nhiên, bộ búp bê 7 tầng này được trang trí một cách khéo léo, tinh xảo dẫn đến việc giá thành của khá cao, thường rơi vào khoảng từ 50 ngàn đến hơn 1 triệu Yên cho một bộ (khoảng 8 triệu đến 180 triệu đồng tiền Việt). Cho nên, không hẳn gia đình nào cũng có đủ điều kiện để trang trí một bộ như thế. Thay vào đó, các gia đình sẽ lựa chọn trang trí những bộ ít búp bê hơn, chẳng hạn như bộ 2, bộ 5, bộ 7 búp bê.
Món ăn truyền thống
Hishi Mochi (ひしもち)
Đây là một món ăn tiêu biểu trong ngày lễ hội Hinamatsuri. Thông thường, Hishi Mochi có ba màu sắc chính: xanh lá, trắng, hồng với những ý nghĩa khác nhau. Màu xanh tượng trưng cho sức khỏe và sự trưởng thành; màu trắng tượng trưng cho sự ngây thơ, thuần khiết; màu hồng tượng trưng cho bùa may mắn.
Hina-arare (ひなあられ)
Tương tự như Hishi Mochi, Hina-arare cũng là món bánh ngọt tiêu biểu trong dịp lễ này. Hina-arare cũng có ba màu sắc: xanh lá, trắng, hồng mang ý nghĩ cầu nguyện cho các bé gái được may mắn và khỏe mạnh.
Chirashizushi (ちらしずし)
Ở Nhật Bản thường có phong tục ăn sushi vào những dịp lễ, ăn mừng. Chirashizushi được trang trí bắt mắt, cầu kỳ nên rất thích hợp trong dịp lễ cầu chúc sức khỏe cho các bé gái. Bên cạnh đó, các nguyên liệu để làm nên món này đều mang những ý nghĩa tốt đẹp dành cho các bé gái.
- Tôm: Mang ý nghĩa của sự trường thọ
- Củ sen: Mang ý nghĩa nhìn xa trông rộng
- Đậu: Mang ý nghĩa của sự siêng năng
Ngày lễ Hinamatsuri không chỉ là ngày lễ cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc, những điều tốt đẹp sẽ đến cho các bé gái, mà đây còn là ngày để gia đình cùng nhau tụ họp, ăn mừng, chia sẻ niềm vui với nhau.
Cùng SHIN khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích về Nhật Bản tại đây nha!!!
Tài liệu tham khảo
https://www.furacoco.co.jp/yougo/list/95.html
https://www.yoshitoku.co.jp/hina/column/manner/dolls-decoration
https://www.rakuten.ne.jp/gold/komari/hinaningyou/hina-009-kimekomi.html
https://www.jalan.net/news/article/415742/
https://www.dcm-hc.co.jp/kurashimade/c_useful/20190216183720.html
https://kakaku.com/search_results/%90%97%90l%8C%60%8E%B5%92i%8F%FC%82%E8/
https://www.izasa.co.jp/blog/hinafes-1208/
https://www.hoikushibank.com/column/post_2099
https://plazaosaka.com/column/box-lunch/hinamatsuri-food/
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)