Nhắc đến Nhật Bản, các bạn sẽ nghĩ ngay đến Trà đạo, Kiếm đạo, Ikebana,… nhưng bạn có biết rằng còn có một văn hóa vô cùng đặc biệt đó là Hương đạo. So với Trà đạo, Kiếm đạo,… thì Hương đạo có vị thế chưa rõ ràng, ít người biết đến và kén người thưởng thức hơn.
Vậy thì Hương đạo là gì? Nó có từ bao giờ? Hãy cùng SHIN đi tìm hiểu nhé!
- Hương đạo là gì?
Hương đạo (香道) là nghệ thuật đánh giá cao hương thơm của các loại gỗ thơm khác nhau, chẳng hạn như trầm hương, được sản xuất chủ yếu ở Đông Nam của Nhật Bản. Hương đạo là một thế giới nơi tinh thần Thiền được coi trọng và có nhiều quy ước như phép xã giao và cách cư xử. Tuy nhiên, nguồn gốc của Hương đạo là để tận hưởng mùi hương của chính nó. Có nhiều người thưởng thức hương mà không bị ràng buộc bởi nghi thức Hương đạo truyền thống, và nhiều sản phẩm hương được bán cho những mục đích như vậy.
Trong Hương đạo, hương được thể hiện là “lắng nghe”, và cụm từ “ngửi” được coi là bất lịch sự. Gỗ thơm là vật sống, và người ta tin rằng mỗi hương đều có một linh hồn, vì vậy nên đối xử với loại gỗ thơm tự nhiên quý hiếm này một cách trân trọng và nâng niu.
Trong thời hiện đại, ý nghĩa của việc sử dụng từ “lắng nghe” được giải thích là lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên và trái đất thông qua mùi hương của gỗ thơm, trở thành một với thiên nhiên, và đối mặt với chính mình.
- Nguồn gốc của Hương đạo
Sự hình thành của Hương đạo gắn liền với quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Nhật Bản. Tuy nhiên sự bắt đầu của Hương đạo Nhật Bản được ghi chép trong sử sách là vào năm 595, thuộc thời kỳ Asuka (592 – 710). Bấy giờ có một phiến gỗ lớn trôi dạt vào bờ biển đảo Awajishima thuộc tỉnh Hyogo, được người dân trên đảo mang về làm củi, nhưng khi cho vào bếp lò họ vô cùng kinh ngạc với hương thơm tỏa ra từ đó và quyết định tiến dâng lên Thiên hoàng Suiko. Đến năm 752 thuộc thời kỳ Nara (710 – 794), cùng với đạo Phật, các công thức bào chế hương liệu gồm trầm hương, xạ hương, nhu hương, quế bì đã được thiền sư Giám Chân của nhà Đường truyền bá vào Nhật Bản.
Vào thời kỳ Heian (749 – 1185), tầng lớp quý tộc Nhật Bản bắt đầu hứng thú với việc thưởng hương. Sự kết hợp các loại hương liệu được quy định theo mùa. Mỗi thay đổi dù rất nhỏ trong thành phần hương liệu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất hương. Trong thời kỳ này, việc tặng hương liệu kèm theo một bài thơ cho nhau rất phổ biến.
Thời Kamakura (1185 – 1333), giới Samurai thâu tóm quyền lực và dần được quý tộc hóa bằng những thú vui tao nhã của giới quý tộc. Nghệ thuật thưởng hương từ thời kỳ này có sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần võ sĩ đạo và triết lý Thiền của đạo Phật.
Trong suốt thời kỳ Muromachi (1333 – 1603), Nhật Bản triền miên trong biến loạn. Cảm nhận một cách sâu sắc về sự vô thường của quyền lực và kiếp người sau những mất mát, hoang tàn của chiến tranh, những bậc hiền nhân đã kiến tạo nên nghệ thuật Hương đạo mang đậm triết lý về vẻ đẹp vô thường, cảm thức mùi của người Nhật. Cuối thời Muromachi, nghệ thuật thưởng hương được phát triển thành hai trường phái chính: trường phái Oie (御家流) do quý tộc Sanetaka Sanjonishi sáng lập, có đặc trưng là chú trọng vào tính chất của hương; và trường phái Shino (志野流) do một võ sĩ tên Soshin Shino sáng lập, chú trọng vào nghi thức thưởng hương.
Hương đạo phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603 –1868). Những dụng cụ phục vụ cho nhu cầu thưởng thức Hương đạo được chế tác tinh xảo. Đây cũng được coi là thời kỳ vàng son của Hương đạo.
- Nghệ thuật “Nghe hương”
Mặc dù thưởng hương bằng khứu giác nhưng thay vì sử dụng cách nói “香を嗅ぐ” (ka wo kagu), người Nhật lại nói “香を聞く” (ka wo kiku), nôm na có nghĩa là “nghe hương”. Ngoài nghĩa đơn thuần là nghe, “聞く” còn biểu thị sự “mài giũa 5 giác quan để thưởng thức bằng cả tâm hồn”. Thưởng hương không thể ngửi qua loa mà cần một quá trình ngưng lắng tâm hồn đậm Thiền tính của nhà Phật.
Để “nghe” trọn vẹn một cuộc hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế. Ngồi ngay ngắn, thư thái, tay trái giữ chén hương trầm, từ từ nâng chén lên ngang mũi, tay phải che miệng chén để làn hương trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái, hít ba hơi thật sâu. Làn hương thấm vào mũi sẽ đi qua tim và chạm đến đáy tâm hồn. Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại sẽ nghe ra chất hương và gọi thành tên.
Người ta chia hương trầm thành nhiều loại khác nhau, chia thành 6 loại, bao gồm 5 vị đến từ 6 nước: Kyara từ Việt Nam có vị đắng, Rakoku từ Thái Lan có vị ngọt, Manaka từ Malacca và Malaysia không vị, Manaban từ Bồ Đào Nha có vị mặn, Sumatora từ Indonesia có vị chua và Sasora từ Ấn Độ có vị cay. Để có thể phân biệt những mùi hương trầm khác nhau, người thưởng hương phải mất nhiều năm luyện tập và có một khứu giác nhạy bén với mùi hương.
“Nghe hương” rồi phân biệt được hương là cả một nghệ thuật và cần sự tinh tế trong tâm hồn. Phải thả hồn vào không gian, dùng tâm để cảm nhận được sức hấp dẫn của mùi hương.
Tuy rằng, Hương đạo chưa có chỗ đứng vững vàng như Trà đạo, Kiếm đạo,… nhưng nó cũng là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của xứ sở Phù Tang. Nếu có cơ hội hãy thử trải nghiệm để tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, và hứa hẹn không làm bạn thất vọng.
Cùng SHIN khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích về Nhật Bản tại đây nha!!!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://ja.wikipedia.org/wiki/%E9%A6%99%E9%81%93
- https://www.nipponkodo.co.jp/iyashi/culture/about.php
- https://www.yamadamatsu.co.jp/enjoys/monkou.html
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)