Nhắc đến Nhật Bản bạn sẽ nghĩ ngay đến gì nào? Phải chăng là núi Phú Sĩ thơ mộng, những Sumo cường tráng, hay là những miếng Sushi tươi ngon… Ngoài ra, chắc có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến Trà đạo – là một nét văn hóa truyền thống không thể bỏ qua khi tìm hiểu về đất nước Nhật Bản.
- Trà đạo là gì?
Trà đạo (茶道) được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản.
Theo truyền thuyết của Nhật Bản, vào khoảng cuối thế kỉ 12, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau đó, thưởng thức trà có công dụng thư giãn lẫn tính hấp dẫn của hương vị trà đã thu hút rất nhiều dân Nhật đến với thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (茶道), một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật.
Người Nhật luôn luôn cố gắng làm phù hợp cách uống trà được du nhập từ nước ngoài sao cho phù hợp với văn hóa, bản sắc và con người nước Nhật. Lúc mới sơ khai chỉ đơn giản là thay đổi cách uống trà sao cho phù hợp với lối sống của người Nhật, sau đó là cách pha trà, thưởng trà và cuối cùng là đúc kết nên Trà đạo một nét văn hóa độc đáo của xứ sở Phù Tang.
Tất nhiên ở đây trà đạo không đơn thuần là con đường, là phép tắc uống trà mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách: hòa mình với thiên nhiên, để từ đây tu sửa tâm, nuôi dưỡng tính và đạt tới giác ngộ.
- Lịch sử của Trà đạo
Vào thế kỷ thứ 8 – 14 trà bắt đầu được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Văn hóa uống trà vào thời gian đó được coi là trò chơi xa xỉ và tầng lớp quý tộc rất thích dụng cụ uống trà Trung Quốc bởi chúng được làm từ những vật liệu giá trị, quý hiếm giúp toát lên đẳng cấp của giới quý tộc.
Giữa cái bối cảnh xô bồ này, một nhà sư tên là Murata Juko đã tìm thấy vẻ đẹp giản dị tồn tại trong văn hóa uống trà. Đến với trà bằng tinh thần của nhà sư, nên Murata Juko rất coi trọng cuộc sống tinh thần. Trà đạo ra đời như thế.
Sau thời Jyoo, đến thế kỷ 16 là thời của Sen no Rikyu mới là người đã đưa ra bước ngoặt quan trọng, tạo nên một văn hóa trà đạo trong giới võ sĩ (samurai). Có thể nói hoạt động của Senno Rikyu có tầm ảnh hưởng khá sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ, và ảnh hưởng mạnh đến chính trị thời đó.
Ngoài ra còn có nhiều trà nhân khác nữa. Mỗi trà nhân đều pha trà theo phong cách riêng của mình. Nếu các phái trà có sự khác nhau thì chỉ khác một chút ở phần thực hiện những động tác của nghi thức pha trà, tức là khác phần bên ngoài, còn đạo tinh thần bên trong là duy nhất.
- Sen no Rikyu- người ảnh hưởng sâu sắc đến Trà đạo
Sen no Rikyu là người có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật Trà đạo của Nhật Bản. Ông là người có tính cách nhẹ nhàng, đơn giản, thanh đạm, có một niềm đam mê đặc biệt đối với Trà đạo. Ông thể hiện sự tinh túy của trà đạo theo những cách đơn giản nhất nhưng vẫn mang lại một nét nghệ thuật sâu sắc.
Vào năm 19 tuổi ông được học về trà đạo thông qua một người giới thiệu. Ông từng trải qua một khóa tu thiền tông tại chùa Daitoku-ji ở Kyoto và phát triển công việc trà đạo của mình cho đến khi trở thành một trà sư thực thụ.
Nhiều người cho rằng Sen no Rikyu là người có sức ảnh hưởng đến nghệ thuật Trà đạo hiện này. Trước đây, khi mới du nhập từ Trung Quốc về, Trà đạo như một thú vui thể hiện sự xa hoa, giàu có. Những bộ ấm pha trà, chén trà… đều được làm bằng những vật liệu trân quý như vàng, ngọc… và được gia công vô cùng tỉ mỉ.
Lúc đó, Trà là công cụ giải trí của tầng lớp quý tộc mới. Ngoài ra, chủ bữa tiệc Trà còn muốn thông qua Trà để thể hiện sự giàu có, đẳng cấp của bản thân. Có thể do bị ảnh hưởng do từng trải qua khóa tu thiền tông nên ông đã đi ngược lại với xu thế của thời đại, Sen no Rikyu dùng “tâm” để thưởng trà. Không đạo cụ xa xỉ, chỉ đơn giản là những đạo cụ làm bằng đất nung thông thường cũng đủ để thưởng trà. Ông quan niệm rằng Trà ngon hay không không phải thể hiện trên những đạo cụ mà nó là sự hòa quyện giữa tâm hồn con người, trà và thiên nhiên. Cách thưởng thức này cũng giống với tư duy của Thiền tông.
Hơn thế nữa, Sen no Rikyu là người đã tạo nên câu nói huyền thoại “Ichigo Ichie” (一期一会). Đối với một buổi Chakai (茶会, trà hội), từ việc quét dọn con đường lát đá vào buổi sớm trước khi các vị khách ghé thăm, tiết trời vào ngày hôm đó, bông hoa nào vừa nở, bông hoa nào vừa tàn… tất thảy đều chỉ xảy ra một lần trong đời trước khi chúng trôi đi. Vì nhận thức được tính chất độc nhất và phù du của vạn vật, mọi công việc trong nghi lễ Trà đạo đều được thực hiện với lòng tôn kính chân thành.
- Tinh thần của Trà đạo
Người Nhật luôn luôn nghiêm túc trong việc uống trà, từ khâu chuẩn bị đến lúc thưởng trà. Từ xưa, quan niệm thưởng trà của người Nhật đã gắn liền với việc tu dưỡng tâm tính, dung hòa với thiên nhiên. Đi cùng với nghi thức và cách uống trà độc đáo, phòng trà và bộ trà cũng được bày trí cẩn thận và tinh vi. Phòng trà sẽ có những bức tranh thư pháp toát lên vẻ thanh lịch. Một số bộ trà khác đắt tiền do lịch sử lâu đời hoặc do nó là thiết kế của các nghệ nhân bậc thầy.
Với người Nhật, trà đạo là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, mà cả người chủ lẫn khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hòa, kính, thanh, tịch”.
“Hòa” có nghĩa là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, sự hòa hợp giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà.
“Kính” là lòng kính trọng, sự tôn kính đối với người khác, thể hiện sự tri ân cuộc sống.
Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh, thể hiện sự thanh tịnh, đó chính là ý nghĩa của chữ “thanh”.
“Tịch” có nghĩa là sự vắng lặng, tĩnh lặng mang đến cho con người giảm giác yên tĩnh, vắng vẻ.
Nếu ví cuộc đời học tập Trà đạo của con người là 35 năm thì chỉ mất khoảng tầm 5 năm để học “nghệ” pha trà, nhưng phải mất đến 30 năm để thấu hiểu hết những triết lý ẩn sâu bên trong Trà đạo. Ngày nay, không chỉ là những người có tuổi mà ngay cả các bạn trẻ cũng rất thích học Trà đạo.
Cùng SHIN khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích về Nhật Bản tại đây nha!!!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://wa-gokoro.jp/accomplishments/sado/422/
- https://verdure.tyanoyu.net/rekisi.html
- https://www.asoview.com/note/2797/
- https://www.hyakkanokai.com/blog/2642/
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)