Cùng với kịch Noh, và Kyogen, kịch Kabuki là một trong những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật với hơn 400 năm lịch sử, dù trải qua nhiều biến cố khó khăn, song Kabuki vẫn tự chứng minh nét đặc sắc của riêng mình để được mọi người không chỉ ở Nhật mà cả thế giới đều ưa chuộng.
Vậy sức hút của Kịch Kabuki là gì? Hãy cùng SHIN tìm hiểu nhé!!!
- Kịch Kabuki là gì?
Kịch Kabuki (歌舞伎) là một loại hình nghệ thuật sân khấu nổi tiếng của Nhật Bản, trong đó có sự kết hợp của ca nhạc, diễn xuất, múa,.. vì vậy nó còn được gọi là Ca vũ kỹ. Trong đó, “Ca” là ca hát, “Vũ” là múa, “Kỹ” là kỹ năng.
歌舞伎 là ký tự Trung Quốc được áp dụng cho “Kabuki”, nhưng từ “Kabuki” ban đầu được gọi là “Kabuku” (かぶく). “Kabuku” dùng để chỉ những người cư xử ích kỷ hoặc lập dị đi ngược lại chuẩn mực của thế giới .
Kịch Kabuki được cho là ra đời vào đầu thời Edo, theo một số tài liệu thì tổ sư của Kabuki là bà Izumo no Okuni (出雲の阿国) sáng tạo dựa trên kịch Nou và Hu-ryu tại Kyoto vào năm 1603.
Khi điệu múa Kabuki của Izumo no Okuni trở nên phổ biến hơn, nhiều nhóm bắt đầu bắt chước nó và dàn dựng các chương trình tương tự. Trong số đó, Yuujokabuki(遊女歌舞伎)chuyên dùng gái mại dâm thu hút một lượng lớn khách mỗi ngày.
Tuy nhiên, vấn đề gái mại dâm ngày càng gia tăng nên Mạc phủ đã lấy lý do ảnh hưởng đạo đức công cộng cấm phụ nữ xuất hiện trong những vở kịch như vậy. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của Yaro Kabuki (野郎歌舞伎), nơi chỉ những người đàn ông mới biểu diễn và hình thức những người đàn ông trưởng thành đóng vai phụ nữ. Loại hình Kabuki này đã trở thành nguyên mẫu của Kabuki hiện đại và lưu truyền đến ngày nay.
Khi Chiến tranh thế giới thứ II diễn ra, kịch Kabuki trở nên khó biểu diễn. Sau chiến tranh, vốn Quân đồng minh đã cảnh giác với việc quân sự hóa của Nhật Bản, đã cấm các vở kịch cổ điển đề cao lòng trung thành, khiến kịch Kabuki khó tồn tại. Tuy nhiên, giá trị của Kabuki như một nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản đã được công nhận và lưu truyền.
Sau đó, cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản, Kabuki tiếp tục phát triển phù hợp với thời đại mới. Các buổi biểu diễn trong quần chúng được tích cực tổ chức, các buổi biểu diễn ở nước ngoài cũng được tổ chức và đẩy mạnh.
Năm 1962, kịch Kabuki được chỉ định là Tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Nhật Bản. Năm 2009, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Không thể nào phủ nhận là kịch Kabuki là một trong những nghệ thuật biểu diễn của Nhật Bản và được biết đến trên toàn thế giới với vẻ đẹp phong cách độc đáo.
- Đặc điểm kịch Kabuki
Để tạo nên một tiết mục thành công hay là những nét đặc trưng của Kabuki thì phải kết hợp rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên, chính là Diễn viên Kabuki. Hầu hết, các diễn viên kịch Kabuki đều học qua trường lớp đào tạo chính quy về kịch Kabuki và hầu hết các diễn viên đều thuộc thế hệ Iemono – thế hệ thừa kế văn hóa truyền thống của Nhật, chủ yếu do truyền thống gia đình cha truyền con nối. Nghệ danh của một diễn viên kịch Kabuki được truyền từ cha mẹ sang con cái, có liên quan chặt chẽ đến một vai trò và loại hình diễn xuất cụ thể, được coi là rất quan trọng. Ngoài ra, mỗi thế hệ Iemoto còn thừa hưởng một loại hình diễn xuất đặc biệt gọi là “nghệ thuật gia đình”. Nếu đánh giá rằng tay nghề của diễn viên đã đủ tinh luyện, nghệ danh sẽ được người ta đặt cho nghi lễ là “Shumei”. Điều đặc biệt ở kịch Kabuki chính là tất cả diễn viên đều là nam giới, dù là nhân vật nữ nhưng cũng sẽ nam giới đóng giả và biểu diễn.
Nhân tố không thể thiếu trong xuyên suốt màn trình diễn kịch Kabuki, giúp đẩy cảm xúc của người xem đạt đến cao trào,… chính là Âm nhạc. Các bài hát có thể được biểu diễn bởi một hoặc nhiều ca sĩ gọi là utakata và được đệm thêm âm thanh của shamisen – một loại đàn li của Nhật Bản. Tùy vào từng tiết mục mà các nhạc công có thể ở vị trí phía sau hoặc bên cạnh sân khấu, nhưng cũng có lúc sẽ biểu diễn kết hợp trực tiếp với các diễn viên ngay trên sân khấu chính.
Một yếu tố rất quan trọng giúp diễn viên truyền tải hành động, tâm trạng của nhân vật để người xem có thể cảm nhận và cũng có thể tăng thêm phần độc đáo cho màn biểu diễn, đó chính là Vũ điệu. Các diễn viên đều được rèn dũa để mỗi động tác hay nhịp di chuyển đều được cường điệu hóa, giống như là đang nhảy.
Kỹ thuật biểu diễn là yếu tố quyết định của các diễn viên để đánh giá họ có phải là một người kinh nghiệm, diễn xuất hay nhập tâm hay không. Đối với từng nhân vật có những kỹ thuật được sử dụng bằng nhiều động tác khác nhau bao gồm:
Tachimawari: Kỹ thuật chiến đấu, thường dùng cho các nhân vật anh hùng, tái hiện một phần lịch sử sử hào hùng và các trận đấu ác liệt. Diễn viên khi vào các tuyến nhân vật này cần phải biểu diễn được các động tác võ thuật đẹp mắt, kể cả việc biểu diễn bằng tay không hoặc khi cầm vũ khí.
Roppo: Kỹ thuật dùng để mô phỏng việc đi bộ hoặc chạy. Kỹ thuật này thường được kết hợp với âm thanh để tăng phần sinh động và chân thực.
Ningyoburi: hành động của một diễn viên điều khiển chuyển động của người khác, như thể một người múa rối. Kỹ thuật này được lấy cảm hứng từ bunraku, nhà hát múa rối Nhật Bản.
Hikinuki: một kỹ thuật chuyên biệt liên quan đến việc thay đổi trang phục một cách “thần tốc” của diễn viên trên sân khấu.
Trang phục cũng là một yếu tố giúp kịch Kabuki thu hút người xem. Với những bộ trang phục khá cồng kềnh và nặng nề, yêu cầu diễn viên phải xử lý chuyên nghiệp và di chuyển một cách nhẹ nhàng, điều khiển và làm chủ được nhân vật; đây có lẽ là một trong những kỹ năng quan trọng của diễn viên kịch Kabuki. Trang phục và tóc giả đi kèm được làm bằng tay bởi các nghệ nhân lành nghề và đôi khi được dệt công phu bằng những sợi bạc và vàng ròng.
Động tác của diễn viên Kabuki rất phô trương, cả trang phục và cách trang điểm gọi là Kumadori cũng vô cùng sặc sỡ. Ngoài ra, cốt truyện cũng thú vị như các vở kịch truyền hình hoặc truyện tranh. Có những lúc căng thẳng đến mức nghẹt thở, nhưng cũng không thiếu tiếng cười, cảnh giường chiếu, cảnh ẩu đả và những thú vui bình dân khác, khiến bạn có thể cất đi những gánh nặng trên vai để thưởng thức.
- Những vở kịch được biểu diễn trong Kabuki
Có hơn 400 vở kịch được biểu diễn trong Kabuki, nhưng chỉ có 100 vở được biểu diễn thường xuyên. Các buổi biểu diễn có thể được chia thành ba loại sau:
Jidaimono (時代物): hay còn gọi là kịch lịch sử, là loại kịch dựa trên sự kiện lịch sử trong thời kỳ Edo.
Sewamono (世話物): là loại kịch chủ yếu lấy đối tượng phản ánh là thường dân, cụ thể là thị dân và nông dân. Sewamono nói chung lấy chủ đề gia đình hay lãng mạn. Một số trong các vở Sewamono nổi tiếng nhất là các vở diễn về tự sát vì tình, việc tập trung vào các bộ đôi lãng mạn không thể chung sống với nhau vì nhiều lý dó và sau đó họ quyết định cùng chết bên nhau. Các vở kịch sewamono loại này bị hạn chế và chịu nhiều sức ép của xã hội.
Vũ kịch (舞踊劇): đây là loại kịch tập trung vào việc nhảy múa, nhảy theo những bài hát và bản nhạc đẹp và hầu như không có lời thoại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://jp-culture.jp/kabukitoha/
- https://www2.ntj.jac.go.jp/unesco/kabuki/jp/feature/feature1.html
- https://discoverlocal.site/culture/a bout-culture-kabuki/
————————————–
TRUNG TÂM NHẬT NGỮ SHIN
Hotline: 0799 666 493 – 0358 73 83 89
Website: shinvietnam.com
Cơ sở 1: 285/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM (cách vòng xoay Dân chủ 200m, đầu hẻm 285)
Cơ sở 2: 35 Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP HCM (Ngay chân cầu Kênh Tẻ)